Một số điều cần ghi nhớ để stress công việc không ghé thăm
15:32 - 20/08/2020 | 665
Bạn đã từng thức dậy với tinh thần uể oải mỗi sáng? Bạn sợ phải đi làm, sợ phải đến công ty, sợ gặp sếp...Bạn làm việc với sự mệt mỏi, giải quyết công việc chậm chạp như một người không có sức sống. Bạn nghĩ đến nghỉ việc nhưng lại không dám nghỉ vì vô vàn lí do. Càng ngày mọi thứ càng trở nên tệ hại đối với bạn?
Lí do khiến bạn ngại chuyển việc
Khi nào bạn nên thôi việc?
Mô tả chi tiết công việc của chuyên viên tài chính
Mô tả chi tiết công việc của lập trình viên
Nếu đang gặp một trong số dấu hiệu trên rất có thể bạn đã bị stress công việc. Vậy stress công việc là gì? Hiểu đơn giản, stress là khi bạn đang cảm thấy căng thẳng, rất dễ bị kích động và làm ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, hiệu quả công việc thậm chí ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn. Stress công việc chính là con dao hai lưỡi. Áp lực vừa đủ thì có thể giúp bạn hoàn thành công việc hoàn hảo hơn vì bạn phải tập trung sức lực, chất xám hơn nhiều so với bình thường. Nhưng nếu áp lực quá sẽ khiến bạn mệt mỏi, chán nản không còn tâm trí, hứng thú để giải quyết công việc nữa.
Dưới đây chính là những lời khuyên của vieclam247pro.vn dành cho những ai đang bị stress công việc "ăn mòn" mỗi ngày:
- Hãy thẳng thắn và dừng lại khi cần thiết
Ở Việt Nam rất chuộng kiểu giao tiếp vòng vo, nói giảm nói tránh, dĩ hòa vi quý, một điều nhịn chín điều lành. Hầu hết những người nói thẳng, nói thật đều không có được sự thăng tiến trong công việc bởi sẽ không được lòng sếp. Tâm lí e ngại mất lòng đồng nghiệp, mất lòng sếp rồi bị tẩy chay, bị đuổi việc khiến dân công sở phải đặt chữ nhẫn – nhịn lên đầu. Chính vì lẽ đó mà họ thà kìm nén trong lòng, chịu thua hoặc ậm ờ cho qua chuyện còn hơn mang ra tranh luận cho rạch ròi. Hậu quả là họ cảm thấy ấm ức, bức xúc, mệt mỏi khi làm việc. Đừng để mọi thứ đi quá xa tới mức một lúc nào đó bạn phải chạy vào văn phòng sếp hoặc đứng trước mặt đồng nghiệp và hét lên ‘Tôi không thể chịu đựng được nữa rồi’." Khi gặp phải vấn đề, bạn hãy suy xét thật kĩ, phân tích điểm đúng điểm sai và chia sẻ thẳng thắn với tinh thần bàn luận để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Bạn có thể định vị bằng câu: "Đây là ý kiến của tôi. Sếp/bạn cảm thấy thế nào?". Chẳng hạn sếp bạn giao cho bạn dự án lớn, muốn bạn phải đi đến điểm B, điểm A có thể làm sau hoặc bỏ qua. Nhưng bạn thì nghĩ điểm A là gốc phải qua nó mới đến được điểm B. Nếu bạn bỏ qua điểm A bạn không thể thành công đi đến B được. Trong quá trình đó gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Sếp thì ép bạn đúng thời hạn phải có được kết quả như mong muốn. Bạn sẽ im lặng và cố gắng làm trong sự mệt mỏi vì không có được kết quả hay bạn mạnh dạn bày tỏ ý kiến, trình bày những khó khăn gặp phải?
Nếu bạn đang bế tắc với công việc, hãy dừng nó lại. Thư giãn, hoặc nghỉ phép và đừng nghĩ đến nó. Bởi bạn càng cố gắng trong lúc bế tắc lại càng mệt mỏi và không đủ sáng suốt minh mẫn để đi tiếp. Hãy nghỉ ngơi rồi sau đó quay lại với một tinh thần phấn chấn. Lúc này làm việc sẽ hiệu quả hơn nhiều và có nhiều ý tưởng mới.
- Luôn ý thức việc tự chăm sóc sức khỏe, tình thần cho bản thân là điều quan trọng nhất
Dù làm gì, mục tiêu như thế nào thì bạn cũng phải ghi nhớ rằng sức khỏe là điều quan trọng nhất. Đừng làm việc theo một thời gian biểu không ổn định, bỏ qua kỳ nghỉ hay bỏ lỡ thời gian dành cho gia đình và bạn bè. Ngay cả cỗ máy làm việc còn cần phải nghỉ, bảo dưỡng và tu sửa huống chi con người. Làm việc khoa học, ăn đủ dinh dưỡng, ngủ đúng giờ và đủ giấc. Quan tâm đến người thân, bạn bè. Giải trí hàng tuần... Những điều này sẽ giúp bạn giảm mức độ ảnh hưởng của stress. Công việc stress lại gặp đúng lúc sức khỏe gặp vấn đề thì quả là cú đấm đúp khiến bạn sụp đổ
- Stress công việc không chỉ liên quan đến mình bạn
Những căng thẳng xoay quanh công việc có thể phá hủy cuộc hôn nhân và hạnh phúc gia đình bạn. Bạn im lặng chịu đựng ở nơi làm việc nhưng đừng mang sự im lặng cam chịu đó về nhà. Nếu là bạn đời của người đang gặp vấn đề đó, bạn hãy chịu khó lắng nghe họ. Người thân của bạn không có lỗi gì trong vấn đề này, đừng trút giận lên họ để giải tỏa cơn tức giận. Công việc mất bạn có thể tìm công việc khác. Nhưng nếu mất đi gia đình và người thân bạn không thể tìm gia đình khác được.
Hãy nhớ công việc thì rất nhiều nhưng gia đình chỉ có một mà thôi. Đừng lo sợ người thân sẽ nghĩ bạn là kẻ đang thất bại. Gia đình chính là nơi để nương tựa mỗi khi ta gặp khó khăn hay vấp ngã.
- Hãy hỏi về những tiêu chuẩn, chất lượng cuộc sống trước khi bắt đầu một công việc
Hãy hỏi về những điều quan trọng với bạn. Hãy tìm hiểu xem bạn có phải trả lời các văn bản, vấn đề vào cuối tuần hay ban đêm hay không. Nghỉ phép hàng tháng, năm như thế nào, khối lượng công việc chính, có phải làm thêm giờ hay không, có phải đi công tác thường xuyên không...Những điều nghe có vẻ nhỏ nhặn nhưng lại rất ảnh hưởng đến bạn sau này. Chẳng hạn bạn đã rất mệt mỏi sau một ngày làm việc, tối về nhà bạn lại không được nghỉ ngơi, bị quấy rầy bởi những cuộc điện thoại. Bạn phải đi công tác liên tục ngay cả khi vợ bạn sinh con...
- Làm việc cho một ông chủ có tâm, có tầm
Công việc không chỉ là tiền bạc mà còn rất nhiều yếu tố khác nữa như môi trường làm việc, văn hóa tổ chức, đồng nghiệp, sếp... Nếu sếp bạn có tâm sẽ luôn coi trọng sức khỏe, tinh thần của nhân viên. Nếu sếp bạn có cả tầm, họ sẽ luôn có những chính sách, cách thức để phát triển nhân viên của mình giúp họ đạt được mục tiêu và nhận được cả sự nể phục từ nhân viên của mình. Người sếp tốt sẽ luôn nghĩ đến mối quan hệ giữa cho đi và nhận lại chứ không chỉ giữ riêng lợi ích cho mình. Họ biết cách tạo động lực cho nhân viên. Tôi nhớ hôm phỏng vấn vào công ty tôi đã đưa ra một câu hỏi cho sếp “Sao anh không lắp máy chấm công bằng vân tay để quản lí cho chặt chẽ?”. Sếp tôi nói rằng “Anh không muốn anh em cảm thấy công ty như một cái nhà tù”. Mang lại sự thoải mái cho nhân viên cũng là một cách tạo động lực và tinh thần làm việc, sự gắn bó của nhân viên với tổ chức.
Hãy nhớ kỹ năm điều trên để tránh xa stress công việc nhé. Nếu không thể giải tỏa được stress, hãy rời bỏ công việc đó. Đừng để lưỡi dao cứa vào tay làm bạn bị thương!