5 điều không nên nói nơi công sở kẻo rước họa vào thân
14:16 - 24/08/2020 | 707
“Bệnh tật đến từ miệng, họa cũng từ miệng mà ra” bạn đã nghe câu này chưa? Ngụ ý của nó là việc ăn uống không khoa học sẽ gây bệnh, nói không cân nhắc suy nghĩ sẽ gặp họa. Mà đây là họa tự thân.
Lí do khiến bạn ngại chuyển việc
Khi nào bạn nên thôi việc?
Mô tả chi tiết công việc của chuyên viên tài chính
Mô tả chi tiết công việc của lập trình viên
Vậy bạn không nên nói gì nơi công sở để tránh rước họa vào thân? Dưới đây là những điều mà bạn tuyệt đối nên tránh khi trò chuyện nơi công sở:
- Không nên nói xấu đồng nghiệp, cấp trên
Trong cuộc sống, không ít những kẻ thảo mai luôn đi buôn chuyện rèm pha người khác. Nơi công sở cũng vậy, người bị ghét nhất chính là những kẻ hay "ngồi lê mách lẻo", nói xấu người khác, “kiếm câu chuyện làm quà”. Trong cuộc sống vốn không thể tránh khỏi chuyện bạn ghét người này, quý người kia, nhưng dù sao bạn vẫn phải duy trì công việc của mình. Nếu hôm nay bạn "buôn dưa lê", nói xấu người khác, ngày mai câu chuyện ấy sẽ lại lọt vào tai kẻ thứ ba, và nhiều người hơn nữa còn bị tam sao thất bản khác xa câu chuyện ban đầu. Đừng quên cái vách còn có tai, nhất là nơi môi trường công sở. Thông tin, theo nhiều cách, có thể đến tai sếp. Tai họa hơn, một số đồng nghiệp không tử tế có thể đơm đặt điều bạn nói, và rồi một ngày nào đó bạn sẽ bất ngờ khi nhận được những đòn giáng chí tử. Bạn đã từng đặt câu hỏi bạn nhận được gì khi nói xấu người khác chưa? Có thể nó giúp bạn hả dạ vì người đó đã làm bạn khó chịu, có thể bạn trở thành trung tâm trong câu chuyện mình đang kể nhưng rồi bạn được gì? Không được gì cả ngoài sự lo sợ câu chuyện bị bại lộ, đến tai đồng nghiệp đến tai sếp, bị tẩy chay thậm chí đuổi việc, rước họa vào thân.
Do đó, tốt nhất là khôn nên nói xấu đồng nghiệp, nói xấu sếp, đặc biệt là những nơi mà bạn mới tới làm việc. Cần cẩn trọng hết sức trong từng lời ăn tiếng nói, bởi vì bạn chỉ không chú ý một chút, lời bạn nói sẽ bị hiểu sai lập tức.
- Không nên tò mò chuyện riêng tư của người khác
Một sự thật là nếu cả ngày câu chuyện chỉ xoay quanh công việc nó sẽ gây nhàm chán, căng thẳng. Đôi khi mọi người có thể thư giãn một chút bằng những mẩu chuyện vui. Tuy nhiên lại có người tính rất tò mò, hay dò hỏi thông tin của người khác xem đó là niềm vui. Nếu trong công ty có thông tin gì, họ là người biết đầu tiên. Những người ưa buôn chuyện luôn kể chuyện riêng tư của người khác đi khắp nơi, chêm cả ý kiến cá nhân của họ vào, gây ra sự hiểu nhầm, dẫn đến xích mích, mâu thuẫn trong quan hệ đồng nghiệp. Những người đó sớm muộn cũng nhận sự xa lánh của đồng nghiệp. Không ai có thể tin tưởng, chia sẻ điều gì với một người như vậy
Ở nơi làm việc, tốt nhất bạn nên tôn trọng quyền riêng tư của mỗi người. Cần phải loại bỏ sự tò mò và tập trung vào công việc cá nhân thì sẽ tránh được tai họa.
- Không nên thảo luận về mức lương với đồng nghiệp
Tiền lương là vấn đề nhạy cảm ở mọi công ty. Phần lớn các công ty không công khai mức lương của từng nhân viên, thậm chí yêu cầu các nhân viên giữ kín thông tin.
Do đặc thù công việc, mỗi người sẽ có một mức lương khác nhau. Việc thắc mắc về tiền lương có thể gây ra sự mất cân bằng tâm lý, gây mất đoàn kết nơi công sở, thậm chí gây phiền toái cho cấp trên. Thay vì thế, nên lưu tâm tới đồng lương của chính bạn và tính toán chi tiêu hợp lý. Nếu ai đó hỏi mức lương của bạn, tốt nhất là tránh trả lời. Lương của bạn có thể cao hoặc thấp hơn đồng nghiệp khác. Nếu nó cao hơn, đồng nghiệp sẽ tị, nếu nó thấp hơn, bạn lại cảm thấy không thỏa đáng. Thế nên, tốt nhất là không nói về chuyện tiền lương với đồng nghiệp.
- Không nên than vãn kêu ca
Nhiều việc quá! Mệt mỏi quá! Bạn cảm thấy kêu ca than vãn sẽ đỡ mệt mỏi bực dọc hơn? Thực tế thì ai cũng muốn nghe lời hay ý đẹp, chằng ai muốn nghe, cũng chẳng ai buồn quan tâm đến những lời bạn than vãn. Lúc đầu họ có thể an ủi, động viên bạn nhưng sau đó họ sẽ phát chán nếu bạn tiếp tục điệp khúc đó. Bạn kêu ca người ta có giúp bạn không? Không! Rốt cuộc chỉ có bạn mới giúp được bản thân, chẳng ai gánh giúp bạn đâu, đặc biệt là nơi công sở mỗi người một việc, ai cũng muốn mình làm tốt hơn để được thăng chức, thưởng, khen ngợi...Thay vì kêu ca phàn nàn suốt ngày bạn nên dành thời gian để tập trung giải quyết công việc. Nếu công việc quá tải hay gặp khó khăn ngoài khả năng giải quyết của bạn, hãy trình bày với cấp trên để tìm phương án giải quyết.
- Không nên kể chuyện nhà
Công sở là nơi làm việc, không phải nơi đề cập tới việc nhà. Nếu kể chuyện ở đây, cũng cho thấy bạn không chuyên nghiệp, thậm chí bị suy diễn là "rảnh".
Mặt khác, khi bạn kể lể chuyện nhà, các thành viên trong gia đình bạn (bố mẹ, chồng, con cái) cũng bị lôi vào câu chuyện. Tính cách, nhân phẩm...của họ lẫn bản thân bạn cũng sẽ bị những người khác đưa ra đánh giá, điều này hoàn toàn không tốt. Ví dụ như một nhân viên văn phòng kể lể về mẹ chồng khó tính, chồng kiếm được ít tiền, mọi người ai cũng biết. Ban đầu họ thương cảm, vỗ về cô ấy, sau đó là mệt mỏi với những lời than vãn. Hơn nữa họ sẽ đánh giá không hay về người thân của bạn, nếu có gặp mặt sẽ khó tránh khỏi thái độ không tốt.
Thực tế, cuộc sống của bạn dù tốt hay xấu thì nó cũng không thích hợp để kể công khai nơi văn phòng. Nên dành thời gian cho công việc của mình. Nếu bạn có tâm sự, hãy tìm đến người thân, bạn bè để trò chuyện sau giờ làm. Còn văn phòng là nơi mà chúng ta nên tuân thủ mọi quy tắc nơi công sở và hướng tới hiệu quả công việc mà thôi. Trên đây là 5 điều vieclam247pro.vn khuyên bạn không nên nói nơi công sở để tránh rước họa vào thân.